image

Thấy gì từ báo cáo về tương lai thị trường việc làm của WEF?

Khoảng 14 triệu việc làm sẽ biến mất trong vòng 5 năm tới. Đây là dự báo được đưa ra bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong một báo cáo mới công bố về thị trường việc làm trên toàn thế giới trong tương lai.

Giới chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn tới kịch bản này xuất phát từ việc nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn suy yếu và các công ty ngày càng tăng cường việc áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) hay robot vào chuỗi hoạt động. Tuy vậy, AI cũng được cho là nhân tố giúp phân loại, nâng cao chất lượng người lao động.

Đào tạo đóng vai trò quan trọng

Tờ India Blooms ngày 1/5 đưa tin, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới đây đã công bố một bản báo cáo với tựa đề “Tương lai việc làm”, dựa trên cuộc khảo sát thực hiện với 803 tập đoàn kinh tế sử dụng hơn 11,3 triệu lao động, thuộc 27 cụm công nghiệp và 45 nền kinh tế từ tất cả các khu vực trên thế giới. Theo đó, báo cáo này chỉ rõ, 14 triệu việc làm (tương đương với 2% dữ liệu việc làm hiện tại) sẽ biến mất trong 5 năm tới. Cụ thể, các chuyên gia của WEF nhận thấy, rằng phía nhà tuyển dụng kì vọng sẽ tạo ra 69 triệu việc làm mới vào năm 2027 nhưng lại loại bỏ khoảng 83 triệu vị trí khác.

1.jpg -0

Việc các chính phủ, tập đoàn đẩy mạnh sử dụng AI, trong các hoạt động vừa tạo cơ hội, vừa tạo thách thức cho thị trường lao động. Nguồn: Vocal media

Báo cáo nêu rõ, các xu hướng vĩ mô gồm chuyển đổi xanh hướng tới bền vững, nội địa hóa chuỗi cung ứng, là những động lực hàng đầu trong tăng trưởng việc làm. Nhưng các nguy cơ của nền kinh tế bao gồm lạm phát cao, kinh tế suy giảm, thiếu hụt nguồn cung sẽ là những thách thức lớn với thị trường lao động. WEF dự đoán, có thể có chưa đến 26 triệu công việc hành chính và lưu trữ hồ sơ vào năm 2027. Nhân viên nhập liệu và thư ký điều hành dự kiến bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Để phù hợp với quá trình phát triển, các công ty buộc phải tăng cường sử dụng công nghệ mới, như AI hay robot. Họ sẽ cần nhân viên mới để giúp triển khai và quản lý các công cụ AI. Theo WEF, việc làm của các nhà phân tích dữ liệu và nhà khoa học, chuyên gia học máy và chuyên gia an ninh mạng được dự báo sẽ tăng trung bình 30% vào năm 2027.

Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi thừa nhận, đối với tất cả mọi người trên thế giới này, ba năm đại dịch đã khiến cuộc sống, sinh kế của họ đầy những biến động. Và hiện nay, những thay đổi về địa chính trị, kinh tế cũng như sự tiến bộ nhanh chóng của AI và các công nghệ hiện đại khác, có thể trở thành nguy cơ gây thêm nhiều bất ổn hơn.

Tuy nhiên, ông Saadia Zahidi nhấn mạnh: “Tin tốt là chúng ta đã vạch ra được hướng đi rõ ràng để đảm bảo khả năng hồi phục. Các chính phủ và doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi hoạt động cho người lao động thông qua đào tạo, tái cấu trúc các quy chế hỗ trợ xã hội để phù hợp với thời cuộc”.

Theo WEF, cứ 10 công nhân thì có 6 người sẽ cần được đào tạo thêm trước năm 2027. Khoảng 45% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, tài trợ của chính phủ về việc đào tạo kỹ năng sẽ giúp kết nối các nhân tài với những vị trí phù hợp. Được biết, báo cáo của WEF chỉ rõ, việc đào tạo người lao động về các kỹ năng AI và thu thập dữ liệu nằm trong top 3 hoạt động được nhiều chính phủ và tập đoàn ưu tiên (42%), chỉ đứng sau các tiêu chuẩn về tư duy phân tích (48%) và tư duy sáng tạo (43%).

Chuyển đổi xanh tạo xu thế mới

Đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh và giảm thiểu biến đổi khí hậu, cũng như nâng cao nhận thức của mọi người về các vấn đề bền vững đang thúc đẩy chuyển đổi ngành và mở ra cơ hội mới trên thị trường lao động.

Các tác động tạo việc làm ròng mạnh nhất dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư cho quá trình chuyển đổi xanh của các chính phủ, doanh nghiệp. Khi họ tìm kiếm nhiều nguồn năng lượng tái tạo hơn, các vai trò bao gồm kỹ sư năng lượng tái tạo, kỹ sư hệ thống và lắp đặt năng lượng mặt trời sẽ có nhu cầu cao. Đầu tư vào chuyển đổi xanh đồng thời thúc đẩy tăng mạnh nhu cầu về người lao động trong các vai trò bền vững bao quát hơn, như chuyên gia phát triển bền vững và chuyên gia bảo vệ môi trường.

Dự kiến các vị trí này sẽ tăng lần lượt là 33% và 34%, tương đương với khoảng 1 triệu việc làm. Ngoài ra, mức tăng về việc làm đến từ ngành giáo dục và nông nghiệp dự kiến đạt lần lượt khoảng 10% (tương đương 3 triệu việc làm bổ sung) và 15-30% (tương đương 4 triệu việc làm bổ sung).

Nhận định về vấn đề này, ông Hisayuki Deko Idekoba, Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn tuyển dụng uy tín Recuit đồng quan điểm với dự báo của WEF. Tuy vậy, dù WEF dự báo hàng triệu việc làm sẽ biến mất trong vòng 5 năm tới, nhưng ông Hisayuki cho rằng tình trạng thiếu lao động sẽ vẫn tồn tại ở nhiều lĩnh vực, nhất là khi dân số thế giới ngày một già đi. “Do vậy, điều cần thiết là chúng ta phải xác định những cách mới để đơn giản hóa quy trình tuyển dụng, nhằm hỗ trợ một nền kinh tế xã hội thịnh vượng, nơi mọi người có thể cùng nhau thịnh vượng”.

Chia sẻ với India Blooms, CEO Sander van’t Noordende của tập đoàn tư vấn nhân lực đa quốc gia Randstad phân tích: “Những phát hiện mới nhất trong báo cáo về tương lai việc làm của WEF đã một lần nữa kêu gọi hành động từ tất cả các bên liên quan trên thị trường lao động. Sự tăng tốc trong số hóa, AI, tự động hóa, đang tạo ra những cơ hội to lớn. Nhưng người sử dụng lao động, chính phủ và các tổ chức khác cần sẵn sàng cho những thay đổi. Hãy hỗ trợ nâng cao tay nghề, kỹ năng cho những người lao động hiện làm việc cho các bạn. Họ sẽ là những lao động trung thành và chính bạn cũng đang góp phần giúp điều tiết tốt thị trường lao động.

Kim Khánh

Gửi bình luận


Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Uploading