image

Tìm việc hay xin việc?? Câu chuyện thay đổi tư duy

Ra trường tính xin việc đâu rồi em?

Xin được việc rồi à, giỏi thế!

Việc mới xin lương ổn không mày ơi?

*************************************************************************

Đó có phải là những mẫu câu bạn thường nghe mỗi ngày? Đã bao giờ bạn cảm thấy có chút gì đó sai sai.

Bạn hiểu thế nào là khái niệm “xin”, có phải là ngỏ ý để mong được ai đó cho một thứ gì, hay là cho phép làm điều gì mà bản thân không cần phải đáp lại. Giáo sư Hoàng Phê cũng đã định nghĩa như vậy về “xin” trong Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam.

“Xin” là một trạng thái bị động khi người thực hiện xây dựng mối quan hệ một chiều. Kẻ đi xin sẽ là người nhận ơn và người cho trở thành người ban phát. Đấy là lý do chúng ta có khái niệm “ăn xin” hay “xin trợ cấp”.

Đối chiếu với hoạt động tuyển dụng. Người được tuyển sẽ bỏ thời gian, công sức, chất xám để hoàn thành công việc được giao và nhận thù lao, đó có phải là mối quan hệ một chiều hay không?

Câu trả lời hoàn toàn là không !!!

Ông bà bố mẹ chúng ta đã trải qua những năm tháng năng lực chỉ là thứ yếu, thậm chí đôi khi còn bị rẻ rúm: Đi một chiếc xe đẹp cũng sợ bị nhòm ngó, làm việc giỏi quá, tư duy đột phá đôi khi còn bị dè bỉu, ngay cả miếng ăn miếng mặc cá nhân cũng phải chờ ban phát giới hạn. Thực tế này đã in hằn lên tư duy một bộ phận người Việt tư duy bị động và phụ thuộc, điều này thể hiện ở cả việc dùng khái niệm”xin”.

Bạn apply hồ sơ nghĩa là bạn đang chủ động tìm việc, bạn được gọi phỏng vấn và nhận việc nghĩa là năng lực bạn đủ để áp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Thực tế, đây chính là mối quan hệ “win-win” khi hai bên đều thỏa mãn được nhu cầu và nhận lại lợi ích.

Vậy tại sao chúng ta vẫn đã và đang dùng khái niệm “xin việc” như một điều tất yếu, điều này có đáng để nhìn nhận lại hay không? Ngôn từ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta nhìn nhận thế giới? Yếu tố tâm lý chi phối như thế nào tới hành động và suy nghĩ của con người?

Đơn giản như việc bạn một người và không biết tuổi của họ, nếu người đó gọi bạn là anh/chị, cuộc nói chuyện bỗng nhiên thoải mái hơn, đâu đó trong suy nghĩ chúng ta cũng cở mở và chủ động; Ngược lại nếu người đó gọi bạn bằng em, phong thái chững chạc, chỉ bàn những chuyện lớn lao thì bỗng nhiên bạn trở nên dè dặt, ít nói hơn.

Bạn tới phỏng vấn với suy nghĩ đi “xin việc” nghĩa là bạn đã tự đặt mình vào vị thế kém hơn, là kẻ yếu trong một mối quan hệ lẽ ra phải bình đẳng. Bạn hồi hộp, lo lắng, nói năng lí nhí với tâm thế của một người muốn được “cho việc”. Bạn không dám nêu ý kiến, ngại ngần trao đổi, “bằng mặt mà không bằng lòng” với những thỏa thuận nhận được. Trước mặt thì “dạ vâng em đồng ý” sau lưng lại phàn nàn thất vọng rồi mất tích, nhảy việc, tạo nên thái độ tìm việc méo mó.

Chúng ta ngày nay lớn lên trong thời đại cách mạng công nghệ, thế giới hiện đại và thay đổi từng ngày. Không năng động thì sẽ bị bỏ lại, không nổi bật thì lại bị lãng quên, càng giỏi thì sẽ càng giàu, càng dám lên tiếng lại càng được biết tới. Điều này cũng hoàn toàn đúng với việc tuyển dụng.

Tự tin, chủ động, tích cực là những tố chất mà bất kì vị trí nào cũng cần hiện nay, nhà tuyển dụng tất nhiên sẽ tìm kiếm ở các ứng viên của mình. Vậy nên hãy thay đổi cách nghĩ, thay đổi tư duy.

Tuyển dụng là cơ hội cũng là quyền lợi của bạn. Mỗi một lần apply, một lần phỏng vấn là cách bạn trau dồi năng lực, thể hiện quan điểm, trao đổi giá trị của bản thân. Vậy nên hãy bỏ ngay suy nghĩ “xin việc”.

Tự tin đàm phán để có được cơ hội bạn mong muốn, bạn khiêm tốn nhưng không yếu thế, lắng nghe nhưng không làm mất quan điểm cá nhân. Tất cả điều đó bắt đầu từ tư duy “tìm việc”.

Thay đổi tư duy chỉ là bước đầu, quan trọng nhất vẫn là chuyển hoá nó thành hành động cụ thể. Bạn sẽ là người đường hoàng “tìm việc” nếu:

     Nắm vững thông tin thị trường

Tìm việc không phải là câu chuyện bạn sẽ mãi mãi yên vị và thoả mãn với một vị trí. Mặc dù tất cả nhà tuyển dụng luôn đề cao yếu tố trung thành và gắn bó của nhân viên, nhưng đó lại là bài toán về phúc lợi và văn hoá doanh nghiệp sao cho giữ chân được nhân tài. Còn bạn, những người “tìm việc” luôn cần phải làm chủ được thông tin. Biết mình là ai, ở đâu, xứng đáng với những giá trị gì. Vậy nên dẫu cho bạn có đang có nhu cầu tìm việc hay không thì vẫn luôn phải nắm những thông tin chính thống tin cậy về thị trường tuyển dụng. Lúc này một kênh tuyển dụng uy tín sẽ rất phù hợp để bạn theo dõi.

       Luôn update bản thân

Năng lực luôn là yếu tố tiên quyết để định hình giá trị của bạn trong thị trường tuyển dụng. Vậy nên muốn đủ bản lĩnh, tự tin để đường hoàng tìm việc, tất nhiên bạn phải làm chủ khả năng của mình. Không chỉ là kiến thức chuyên môn nghề nghiệp mà còn là kĩ năng mềm, quan trọng hơn chính là biết cách thể hiện nó với nhà tuyển dụng. Đầu tiên chính là CV – Hồ sơ cá nhân thật ấn tượng.

      Chủ động đặt câu hỏi và nêu ý kiến

Vì tuyển dụng là mối quan hệ hai chiều, bạn không phải là người đi xin và nhà tuyển dụng không phải là người ban phát. Vậy nên bạn luôn có quyền được đặt câu hỏi, nêu ý kiến và đàm phán để đi đến một thoả thuận lao động đôi bên cùng có lợi. Thậm chí một ứng viên biết đặt những câu hỏi hay và nêu các ý kiến đúng còn gây được ấn tượng mạnh hơn nhiều những người chỉ biết trả lời rụt rè và khô khan.

Chúc các bạn thành công!

Gửi bình luận


Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Uploading