“Nên tìm việc trước khi nghỉ việc hay nghỉ việc rồi mới tìm việc?” dường như là thắc mắc chung của bất cứ ai đang muốn tìm cho mình một công việc tốt hơn. Bởi “nghỉ việc” và “tìm việc” khi nào cho đúng là câu hỏi khó có thể trả lời một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, chúng tôi đã đưa ra những phân tích, đánh giá nhằm giúp bạn đọc có thể lựa chọn cho mình hướng đi tốt nhất!
QUYẾT ĐỊNH NGHỈ VIỆC RỒI MỚI TÌM VIỆC, CHÚNG TA NHẬN ĐƯỢC GÌ?
Đây là một quyết định mạo hiểm?
Nhiều người cho rằng, nghỉ việc rồi mới tìm việc là điều vô cùng mạo hiểm, bởi lẽ:
– Thứ nhất, nghỉ việc trong khi bạn chưa tìm được việc mới nghĩa là bạn sẽ thất nghiệp. Cuộc sống của bạn ít nhiều sẽ bị đảo lộn và thêm phần khó khăn hơn nếu như bạn không còn khả năng tạo ra và duy trì tài chính hay có một khoản tài chính dự phòng.
– Thứ hai, “thôi việc” có thể xem như bạn đã chính thức nói “lời chia tay” với công ty cũ và cơ hội “quay lại” là cực kỳ khó, trừ khi bạn “quay lại” với tư cách đối tác, hoặc giữ vị trí vô cùng quan trọng đối với họ. Vì vậy, nếu công ty mà bạn đang làm rất tốt nhưng chỉ vì một số mâu thuẫn, chuyện cá nhân mà bạn nhất thời nghỉ việc thì sẽ có lúc bạn phải hối hận về quyết định của mình.
– Thứ ba, việc bị gắn mác “thất nghiệp” dù trong thời gian ngắn hay dài đều sẽ mang đến những khó khăn cho bạn trong quá trình ứng tuyển ở bất kì vị trí nào. Bởi lẽ, nhà tuyển dụng thường cảm thấy tin tưởng và có cảm tình hơn đối với những ai vẫn đang đi làm thay vì một người đang “vô công rỗi nghề”. Ngoài ra, việc bạn nghỉ việc sẽ trở thành đề tài được nhà tuyển dụng mang ra mổ xẻ kĩ càng, do đó nếu không khéo léo trong câu hỏi phỏng vấn lí do nghỉ việc, có khả năng bạn sẽ bị “mất điểm” trong mắt nhà tuyển dụng.
Nhưng sẽ là quyết định đúng đắn
Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà chúng ta lại nghĩ đến vấn đề “thôi việc”. Mọi thứ chắc chắn đều có lí do và dường như không ai chọn “nhảy việc” nếu bản thân hài lòng với công việc cũ. Vì vậy nếu đã xem xét thật kĩ, đừng ngại “nghỉ việc trước, mọi chuyện tính sau” do:
– Trước hết, nghỉ việc chính là cách tốt nhất để bạn tìm ra lối thoát cho bản thân khỏi nơi làm việc, công việc không như mong đợi mà mình đã “âm thầm chịu đựng” suốt thời gian qua và tìm cho mình cơ hội mới.
– Ngoài ra, khi không phải đi làm nữa thì bạn dường như trở thành “tỉ phú thời gian”. Do đó, bạn có thể “toàn tâm toàn ý” hơn trong quá trình tìm việc của mình để có thể tìm ra công việc phù hợp nhất. Hơn nữa, khi đã thật sự thất nghiệp thì chúng ta mới hiểu được cái cảm giác buồn chán vì dư thời gian, sợ hãi vì không làm ra tiền,…những điều này sẽ góp phần giúp bạn có thêm động lực tìm việc và tâm huyết hơn với công việc sắp tới.
Quyết định nghỉ việc thường gây ra nhiều khó khăn với phần lớn nhân sự
TẠI SAO PHẦN LỚN MỌI NGƯỜI CHO RẰNG NÊN TÌM VIỆC TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH NGHỈ?
Lợi ích của tìm việc trước khi nghỉ việc
Theo khảo sát, đa số người tìm việc được các chuyên gia khuyên rằng nên tìm việc trước khi nghỉ vì một số lí do sau:
– Đầu tiên, bạn không phải sống chung với nỗi lo “thất nghiệp” vì dù tìm được công việc mới hay không thì bạn cũng đã có nơi “cư trú”. Do đó, bạn sở hữu quỹ thời gian dài và thoải mái hơn để suy nghĩ kĩ càng về công việc hiện tại, cũng như đánh giá, xem xét xem công việc nào tốt nhất rồi mới ứng tuyển, vì vậy quyết định “tiếp tục” hay “dừng lại” cũng trở nên thấu đáo hơn.
– Tiếp đến, có việc mới rồi mới thôi việc cũ sẽ không tạo ra một khoảng trống trong con đường sự nghiệp của bạn. Tức là bạn không phải lo sợ nghỉ việc lâu sẽ quên mất một số kiến thức; hay tình trạng trì trệ, nản lòng, không theo kịp giờ giấc khi bắt đầu công việc mới.
– Sau cùng, một ứng viên vẫn đang có “công ăn việc làm” ổn định luôn nhận được cái nhìn tích cực và thu hút hơn từ nhà tuyển dụng, từ đó mà con đường dẫn tới thành công trong việc có được một công việc như mong đợi cũng thuận lợi hơn.
Mặt trái của tìm việc trước khi nghỉ việc
Tìm việc trước khi nghỉ việc mang lại nhiều lợi ích là vậy nhưng xét đến cùng, mọi vấn đề đều không thể chỉ hoàn toàn mang lại ích lợi mà không có bất kì mặt hại nào:
– Nghĩ đến chuyện “nghỉ việc” chứng tỏ những gì mà bạn đang phải đối mặt không hề là chuyện đơn giản mà chắc chắn, bạn đang cảm thấy phiền lòng vì nó. Do đó, nếu chỉ vì sợ không tìm được chỗ làm tốt hơn mà buộc bản thân phải cố gắng duy trì việc “chung sống” với những thứ thôi thúc mình nghỉ việc mỗi ngày, tâm thế làm việc không thoải mái, động lực làm việc không còn mà chỉ làm qua loa,…không những không tốt cho bạn mà con ảnh hưởng đến công ty mà bạn đang làm.
– Trong trường hợp tìm được việc mới, sau quá trình phỏng vấn khá tốt, nhiều người đinh ninh rằng mình sẽ đậu vào vị trí ứng tuyển và nhanh chóng làm đơn nghỉ việc. Tuy nhiên, cuối cùng kết quả lại trượt phỏng vấn, thế là bản thân lại phải ngậm ngùi sống chung với nỗi khổ mang tên “Thất Nghiệp”.
– Trong trường hợp có việc rồi mới nghỉ, nghe có vẻ khả quan nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng êm đềm như chúng ta tưởng. Một số người dù trước khi nhận việc đã phấn khởi kết luận đây là nơi làm tốt hơn, công việc mới phù hợp hơn nhưng đi làm rồi mới nuối tiếc công ty cũ. Tuy nhiên do đã “dứt áo ra đi” với “chốn cũ” và kí hợp đồng với “chốn mới” nên đành chấp nhận “thiệt thòi” cũng như hối hận.
Quyết định nghỉ việc tại công ty cũ là vấn đề không mấy dễ chịu với hầu hết chúng ta, nhất là với các nhân sự đã có thời gian gắn bó tại công ty. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn buộc phải nghỉ, hãy cân nhắc các lợi hại từ quá trình tìm việc mới trước và sau để có được sự lựa chọn đúng đắn nhất nhé.
Gửi bình luận