7 sai lầm khiến người mới đi làm khó hòa nhập với mọi người
“Người mới” có nhiều nỗi lo lắm! Không chỉ lo mình có hoàn thành tốt công việc không, mà còn lo mình có hòa nhập được với mọi người trong công ty không? Với các bạn “người mới” mà còn mới đi làm, thì đây quả là nỗi bận tâm lớn. Tránh ngay 7 sai lầm sau để dễ hòa nhập hơn với đồng nghiệp các bạn trẻ nhé!
Hay đi muộn về sớm
Đi muộn về sớm “tố cáo” rõ bạn là người lười việc. Bên cạnh đó còn phản ánh thái độ làm việc thiếu kỷ luật. Nếu bạn là nhân viên lâu năm và đã hoàn thành tốt mọi công việc được giao, thì có thể đi muộn về sớm được. Nhưng bạn là “người mới”, nên điều tối thiểu cần có là tuân thủ quy định và nguyên tắc kỷ luật của công ty.
Chẳng hạn, công ty 8 giờ vô làm mà 8 giờ hơn bạn mới đến, trên tay lại cầm ổ bánh mì ăn sáng thì thật thiếu kỷ luật và thiếu tôn trọng mọi người. Công ty 17 giờ tan làm mà mới 16 giờ 45 bạn đã tắt máy đứng dậy đi về, trong khi Sếp và mọi người vẫn còn ngồi làm việc, thể hiện rõ bạn là người lười việc và thiếu kỷ luật.
Vậy nên cố gắng đi đúng giờ về đúng giấc các bạn trẻ nhé. Điều này phản ánh bạn là một nhân viên chăm chỉ và kỷ luật, sẽ “ghi điểm” trong mắt mọi người đấy.
Từ chối đi ăn cùng đồng nghiệp
Đi ăn cùng mọi người là cách gắn kết tình đồng nghiệp hiệu quả nhất. Thế nhưng lần nào đồng nghiệp rủ đi ăn bạn cũng từ chối. Lặp lại nhiều lần sẽ khiến mọi người nghĩ bạn “chảnh”, khó gần và không tôn trọng lời mời của người khác.
Dù đã có hẹn đi ăn riêng hoặc cảm thấy không thoải mái khi ăn cùng tập thể, bạn vẫn nên đi ăn cùng đồng nghiệp vài lần. Có thể là buổi trưa cùng xuống căn tin ăn cơm, hoặc tối thứ 6 cùng cả phòng đi ăn lẩu… Gặp gỡ ăn uống và trò chuyện giúp xích lại khoảng cách hiệu quả, thử xem bạn nhé!
Đùa nhầm người
Không phải ai cũng thích đùa, và không phải ai cũng biết cách đùa duyên. Trước khi muốn đùa người nào đó, bạn nên xem họ có phải kiểu người thích đùa hay không.
Tốt nhất đừng nên đùa người khó tính hoặc quá nghiêm túc. Ngoài ra, không nên đùa với cấp trên mà chỉ nên đùa với đồng nghiệp ngang hàng thôi bạn nhé. Vì các bạn còn trẻ và mới chỉ là “người mới” thôi mà.
Không biết cách từ chối
Tính cả nể khiến nhiều “người mới” không biết cách từ chối lời nhờ vả của mọi người. Ai nhờ gì cũng cố gắng giúp dù khả năng có hạn và bản thân đang rất bận. Nhiều bạn nghĩ đây là cách “ghi điểm” giúp đồng nghiệp có thiện cảm với bạn hơn.
Tuy nhiên đừng để bị lợi dụng lòng tốt các bạn nhé. Chỉ nên giúp những trường hợp cần giúp đỡ thôi. Chẳng hạn, đồng nghiệp ngày nào cũng nhờ mua giùm đồ ăn sáng và cafe thì không nên nhận nữa. Bạn có thể nói vì nhà xa nên không kịp mua đồ ăn sáng, sợ trễ giờ làm…
Không biết lắng nghe
Ai trong chúng ta cũng có nhu cầu được lắng nghe, được chia sẻ mỗi khi gặp chuyện buồn. Nếu đồng nghiệp vừa bị Sếp la và đang rất cần được lắng nghe an ủi, nhưng bạn lại viện lý do bận rộn nên không thể nghe tâm sự được, thì bạn đã “mất điểm” và vô tình khiến khoảng cách mối quan hệ đồng nghiệp này xa hơn rồi đấy.
Thái độ không chuẩn mực
Thái độ quan trọng hơn trình độ, nhất là với các bạn Gen Z thời nay thường có thái độ làm việc thiếu chuẩn mực. Tuổi trẻ còn bốc đồng và cái tôi cao nên nhiều bạn sẵn sàng cãi tay đôi với Sếp. Ai góp ý phê bình cũng không chịu tiếp thu, khăng khăng mình đúng. Đi muộn về sớm, trễ deadline liên tục, thường xuyên off đột ngột chỉ vì thích…
Thái độ không chuẩn mực không chỉ ảnh hưởng xấu đến đánh giá công việc của bạn, mà còn khiến mọi người xung quanh có cái nhìn không mấy thiện cảm về bạn đấy.
Hướng nội
Khác với các bạn hướng ngoại hòa đồng vui vẻ, người hướng nội rất khó khăn trong giao tiếp. Các bạn thường “thu mình” lại giữa tập thể, không muốn nói chuyện và kết giao với ai. Tuy nhiên sống trong môi trường tập thể thì không thể như vậy hoài đúng không nào?
Thử tư duy thoáng hơn xíu, cười nói nhiều hơn, vui vẻ hơn sẽ giúp bạn cảm thấy cuộc sống nơi công sở “dễ thở” hơn đấy. Đó đơn giản có thể là mỉm cười chào đồng nghiệp, hoặc hỏi thăm xã giao vài câu đời thường… Mở rộng lòng mình hơn để hòa đồng hơn với đồng nghiệp nhé “người mới”.
Trên đây là 7 sai lầm khiến người mới đi làm khó hòa nhập với mọi người. Tránh phạm phải và cố gắng hòa đồng với đồng nghiệp để cuộc sống chốn công sở vui vẻ và “dễ thở” hơn.
leave your comment