Làm sao chọn được nghề nghiệp yêu thích, không chỉ là câu hỏi của nhiều bạn trẻ nói riêng, mà thậm chí còn là nỗi “đau đầu” của rất nhiều cấp độ từ gia đình, nhà trường đến xã hội, nhất là những bạn trẻ sắp bước qua ngưỡng cửa THPT để chuẩn bị hành trang cho tương lai. Theo các chuyên gia giáo dục cho biết, lựa chọn một nghề nghiệp phù hợp với bản thân phải dựa trên những tiêu chí nhất định, những tiêu chí đó là nguồn định hướng quan trọng cho người lựa chọn nghề nghiệp đi đến những quyết định sáng suốt nhất. Việc chọn sai nghề sẽ dẫn đến nhiều bất lợi về sau.
Tuy nhiên, chọn nghề nghiệp như thế nào là phù hợp để theo đuổi ước mơ trong tương lai là câu hỏi khó với nhiều bạn trẻ. Ban tư vấn hướng nghiệp trường Cao đẳng Công Thương miền Trung chia sẻ một số định hướng giúp các bạn có cái nhìn mới hơn về việc chọn nghề nghiệp trong tương lai.
1. Nghề nghiệp là gì? Sứ mệnh của nghề nghiệp?
Trên thế giới hiện nay có vô số ngành nghề khác nhau. Nhiều nghề chỉ thấy ở nước này nhưng không có ở nước khác. Hơn nữa, các nghề trong xã hội luôn ở trong trạng thái biến động do sự phát triển của khoa học và công nghệ, nhiều nghề cũ mất đi hoặc thay đổi về nội dung cũng như về phương pháp sản xuất, nhiều nghề mới xuất hiện rồi phát triển theo hướng đa dạng hóa,…
Vậy có thể hiểu: Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó nhờ được đào tạo con người có được những tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội. Nghề bao gồm nhiều chuyên môn, chuyên môn là một lĩnh vực lao động sản xuất hẹp của nghề.
Nghề không đơn giản chỉ để kiếm sống mà còn là con đường để chúng ta thể hiện và khẳng định giá trị của bản thân.
“Nghiệp” là sự cống hiến hết mình cho nghề (Theo Phạm Tất Dong). Ai cũng biết nghề nào thì nghiệp đó. Có chuyên môn thì sẽ có nghề tương xứng, nhưng có nghề chưa hẳn đã có nghiệp và có nghề rồi mà không có nghiệp thì nghề cũng không tồn tại một cách suôn sẻ được (Theo NGƯT Đỗ Xuân Cẩm).
Sứ mệnh nghề nghiệp: Mỗi một nghề ra đời đều nhằm đáp ứng một nhu cầu nào đó của con người, vì vậy mỗi nghề đều có nhiệm vụ riêng của nó. Sứ mệnh nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng của nghề. Ai lựa chọn ngành nghề nào thì sẽ phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành nghề đó. Hoàn thành sứ mệnh nghề nghiệp là cách chúng ta cảm ơn những người đã tin tưởng và cho chúng ta cơ hội việc làm, cho chúng ta cơ hội kiếm sống, tỏa sáng và cống hiến xã hội.
Mơ ước có công việc ổn định, lương cao, môi trường làm việc tốt,… không phải là những gì xa xỉ, viễn vong của các bạn trẻ. Bởi đó là quả ngọt ta có thể hái được khi ta xây dựng từ gốc rễ.
Trước khi bạn mơ ước về một nghề mà ở đó cơ hội việc làm, sự ổn định, lương trả xứng đáng với công sức bạn bỏ ra, môi trường làm việc tốt, được cộng đồng đánh giá và giá trị nghề nghiệp cao,… bạn cần chắc chắn rằng mình đã phân tích kỹ lưỡng gốc rễ cây nghề nghiệp từ: Sở thích, tính cách, khả năng,…. Học đúng ngành làm đúng nghề là chìa khóa quan trọng mở toang cánh cửa tương lai.
Ảnh 1. Bản đồ cây nghề nghiệp
2. Đi tìm gốc rễ tạo nên một nghề nghiệp lý tưởng cho bản thân
Chọn cho mình một nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Việc chọn nghề thực sự quan trọng và vô cùng cần thiết. Chọn sai lầm một nghề nghĩa là đặt cho mình một tương lai không thực sự an toàn và vững chắc.
Không phải ai cũng có thể trả lời được câu hỏi: Làm thế nào chọn được một nghề phù hợp. Chính những nghĩ suy và trăn trở rằng tôi có phù hợp nghề này hay không, tôi có thực sự yêu thích nghề này hay không, nghề này có tương lai hay không,… là những vấn đề cần được giải quyết khi bắt đầu quá trình chọn một nghề phù hợp. Phân tích rõ bản họa đồ nghề nghiệp sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất.
Ảnh 2. Bản mô tả nghề (họa đồ nghề)
Thứ nhất: Cần phải vượt qua sự tác động của những tư tưởng và quan điểm chưa thực sự đúng đắn và hợp lý khi chọn nghề như:
– Chọn nghề theo sự áp đặt của người thân trong gia đình.
– Chọn nghề theo chuẩn của nhóm, của bạn bè và của người yêu.
– Chọn nghề may rủi.
– Chọn nghề chỉ ở bậc Đại học.
– Chọn nghề theo “mác”, theo “nhãn”.
– Chọn nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền.
– Chọn nghề “gấp, rút” mà không có sự kiên nhẫn, hy sinh.
– Chọn nghề không nghĩ đến những điều kiện có liên quan như: Điều kiện kinh tế cá nhân hoặc gia đình, thời gian học nghề, tuổi thọ của nghề, đầu ra của nghề,…
Thứ hai: Tìm hiểu nhiều nhất có thể có về những ngành nghề trong xã hội.
Trong mỗi ngành nghề, ít nhất là phải biết yêu cầu về nghề, triển vọng nghề nghiệp, mức lương, thị trường lao động,… Ngoài ra, phải tìm hiểu cả môi trường làm việc, những thách thức nghề nghiệp, những khó khăn và thuận lợi trong nghề nghiệp.
Điều này chỉ được thực hiện khi cá nhân tìm được hoặc tiếp cận được bản họa đồ nghề hoặc chí ít là những thông tin cần thiết về nghề qua một hướng dẫn nào đó:
– Tên nghề và những chuyên môn thường gặp trong nghề.
– Nội dung và tính chất lao động của nghề.
– Những điều kiện cần thiết để tham gia lao động trong nghề.
– Những chống chỉ định y học.
– Những điều kiện đảm bảo cho người lao động khi làm nghề.
– Những nơi có thể học nghề.
– Những nơi có thể làm việc sau khi học nghề.
Bên cạnh đó, việc quan tâm và tìm hiểu thật kỹ về dấu hiệu cơ bản của nghề là điều quan trọng. Nhất thiết, muốn chọn nghề phù hợp thì mỗi cá nhân phải tìm hiểu về đối tượng lao động, công cụ lao động, điều kiện lao động.
Thứ ba: Tìm hiểu về chính bản thân mình để hướng đến việc tìm nghề phù hợp.
Phải trả lời thật chính xác những câu hỏi cơ bản nhất về chính mình cũng như những vấn đề tâm lý có liên quan: Tôi là ai, tôi cần gì và muốn gì, hạnh phúc với tôi là gì,… Tất cả những câu hỏi này được thực hiện một cách nghiêm túc nhằm bước đầu định hướng cho việc tìm hiểu bản thân và để xác lập định hướng cuộc sống của chính mình.
Chính cá nhân phải xác lập cho mình một suy nghĩ thật sự nghiêm túc: Nghề mình yêu thích và những nghề có thể chấp nhận khi không có điều kiện lựa chọn cho bản thân. Tôi đam mê gì? là câu hỏi đầu tiên bạn phải hiểu rõ và trả lời chính xác nhất. Chỉ khi được làm những gì mình thật sự yêu thích, bạn mới có thể sống hết mình với công việc dù gặp khó khăn, thử thách hay áp lực. Do đó, thay vì lựa chọn nghề nghiệp theo mong muốn, ý nguyện của phụ huynh hoặc chạy theo vẻ bề ngoài của các công việc thời thượng, hãy đi theo con đường rộng mở của việc hiện thực hóa những ước mơ.
Thế mạnh của bản thân ở đâu? Có niềm đam mê và ước mơ để theo đuổi sẽ là một khởi đầu thuận lợi. Nếu đam mê của bạn còn khá mờ nhạt hoặc được trải rộng cho nhiều lĩnh vực, hãy tự hỏi bản thân “Tính cách và sở trường của tôi thật sự phù hợp với điều gì”. Sau đó, lựa chọn những gì nằm trong khả năng sẽ giúp bạn cảm thấy thật sự tự tin và thoải mái.
Nếu bạn không có đam mê hay sở trường cụ thể, hãy thử tìm đến những bài khảo sát đáng tin cậy về tính cách và năng lực bản thân để có cái nhìn rõ hơn về chính mình. Một trong những bài trắc nghiệm khá nổi tiếng trên thế giới hiện nay là trắc nghiệm tính cách MBTI, trắc nghiệm nghề nghiệp Holland,… giúp bạn định hình thiên hướng công việc phù hợp sau này.
Tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp? Đừng chỉ học từ kiến thức trong sách vở mà hãy để bản thân được trực tiếp trải nghiệm thực tế qua các cơ hội có được. Quá trình đó sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tính chất cụ thể của công việc và nhận ra liệu bản thân có thật sự phù hợp hay không. Có thể chính những mối quan hệ với trải nghiệm xung quanh sẽ dẫn lối cho bạn đến nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt sau này.
Cuối cùng hãy xác định mục tiêu nghề nghiệp của bản thân? Bạn đã lựa chọn được nghề nghiệp của mình. Bây giờ bạn hãy xác định mục tiêu cụ thể bạn muốn đạt tới trong nghề nghiệp và bắt đầu một kế hoạch để thực hiện mục tiêu đó. Hiểu một cách đơn giản nhất, mục tiêu nghề nghiệp chính là một vị trí công việc, một đích đến mà bạn mong muốn trong tương lai và lộ trình bạn vạch ra để thực hiện nó. Đặt mục tiêu nghề nghiệp sẽ giúp bạn có động lực, khuôn khổ để đạt được mơ ước. Nói cách khác, vai trò của mục tiêu nghề nghiệp là một đỉnh núi bạn cần vượt qua và thúc đẩy bạn không ngừng tiến về phía thành công. Có mục tiêu nghĩa là bạn sẽ ưu tiên cho các hành động quan trọng, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, kỹ năng, cảm thấy hài lòng với công việc hơn và thành công hơn.
leave your comment