image

Nâng cao chất lượng nhân lực từ học nghề, thực tập nghề tại doanh nghiệp

Trong bối cảnh việc tổ chức đào tạo, nhất là đào tạo thực hành của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì vai trò của doanh nghiệp trong việc phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức đào tạo; tiếp nhận người học đến thực hành, thực tập nghề càng trở nên hết sức quan trọng.

 Đào tạo gắn với thực tiễn nghề nghiệp

Tổng cục GDNN vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp. Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN khẳng định: “Việc đánh giá hiệu quả của các mô hình học nghề, tập nghề và kết quả hoạt động hợp tác, gắn kết GDNN với doanh nghiệp cũng như các chính sách, quy định của pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp, làm cơ sở cho việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong thời gian tới là hết sức quan trọng. Bởi trong bối cảnh việc tổ chức đào tạo, nhất là đào tạo thực hành của các cơ sở GDNN gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì vai trò của doanh nghiệp trong việc phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức đào tạo; tiếp nhận người học đến thực hành, thực tập càng trở nên hết sức quan trọng. Việc này đồng thời cũng tạo ra một lực lượng lao động cho doanh nghiệp khi mà thị trường lao động đang chịu nhiều biến động do làn sóng dịch chuyển lao động do dịch bệnh.

Thông tin tại hội nghị cho biết, Việt Nam đang triển khai 4 mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp hiện nay, đó là kèm cặp qua công việc tại vị trí việc làm cụ thể, học nghề, tập nghề tại vị trí việc làm cụ thể, đào tạo nhân viên mới do nhóm lãnh đạo thực hiện; kèm cặp qua công việc luân chuyển trong hệ thống đào tạo của doanh nghiệp; học nghề, tập nghề luân chuyển trong hệ thống đào tạo nội bộ của doanh nghiệp; cuối cùng chính là đào tạo thực tập sinh tại doanh nghiệp, đào tạo nhân viên mới tại cơ sở doanh nghiệp theo hợp đồng đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Tại Phú Yên, thời gian qua, các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống GDNN cũng tập trung đào tạo gắn với thực tiễn nghề nghiệp thông qua việc thiết lập mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp. Chính vì vậy, hoạt động thực tập, thực hành trải nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên. TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung cho hay: Chương trình đào tạo nghề được thiết kế với 70% thời lượng thực hành. Do đó, nhà trường luôn quan tâm đến hoạt động thực tập, thực hành trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp, nhằm đảm bảo cho sinh viên có đủ thời gian để vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, được rèn luyện và phát triển kỹ năng trong môi trường thực tiễn. Hiện nhà trường đã ký kết hợp tác toàn diện với gần 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giúp sinh viên vận dụng những kiến thức học vào thực tế cũng như tích lũy được kinh nghiệm nghề nghiệp ngay trong quá trình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp.

Nguồn lao động có kỹ năng và chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo đã và đang được các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh thực hiện.

Hiệu quả thiết thực

Vị trí thực tập tại các doanh nghiệp rất đa dạng, vì vậy, trước khi đưa sinh viên tập nghề tại doanh nghiệp, nhà trường và doanh nghiệp đều có sự bàn bạc kỹ lưỡng về chương trình thực tập, thực hành cho sinh viên.

Sinh viên năm cuối ngành Cơ khí Nguyễn Quang Tuấn, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung nói: Là sinh viên năm cuối nên việc thực tập tại doanh nghiệp rất quan trọng. Vừa qua, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhà trường và Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang vẫn tạo điều kiện thuận lợi để chúng em thực tập tại công ty này. Nhờ được đội ngũ giảng viên của trường và đội ngũ hướng dẫn tại doanh nghiệp luôn tận tình với sinh viên trong thời gian thực tập, chúng em hoàn thành tốt nhiệm vụ học nghề, tập nghề theo chuẩn đầu ra trước khi tốt nghiệp.

Ban Giám hiệu Nhà trường cùng các thầy cô trường Cao đẳng Công Thương miền Trung chụp hình lưu niệm với các Sinh viên đang thực tập nghề tại Công ty Cổ phần cơ khí Vina Nha Trang

Có thể nói, mô hình đào tạo gắn với thực hành, thực tế sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc nâng cao uy tín và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo GDNN, tạo động lực thúc đẩy việc thu hút học nghề. Đặc biệt, có đến hơn 95% người học sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định và làm đúng nghề theo chuyên môn được đào tạo. Ông Lý Trọng Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang cho hay: Học nghề, tập nghề giúp học sinh, sinh viên được thực hành sản xuất ngay trên máy móc, thiết bị hiện đại của doanh nghiệp; các em được những kỹ sư và thợ bậc cao hướng dẫn thực hành trực tiếp, được nâng cao tay nghề, bổ sung kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, các kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm. Quá trình thực hành, thực tập sản xuất, các thực tập sinh còn có thêm thu nhập từ 150.000-200.000 đồng/ngày và được hỗ trợ ăn ca… Mặt khác, thông qua liên kết với doanh nghiệp, nhà trường có thêm kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tổ chức quản lý và đào tạo nghề, giảm được chi phí đầu tư trong thực hành, thực tập; chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy được hiệu chỉnh một cách phù hợp.

Nội dung gắn kết GDNN với doanh nghiệp, nhất là trong việc đào tạo, đào tạo lại người lao động trong các doanh nghiệp để hoàn thiện kỹ năng nhằm nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp, tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tổng cục GDNN đề ra trong năm 2022. Theo đó, Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp tham gia GDNN trên cơ sở lợi ích và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; kiến nghị Chính phủ ban hành danh mục ngành nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo; mở rộng danh mục các ngành nghề phải sử dụng lao động có chứng chỉ nghề kỹ năng quốc gia. Đồng thời phối hợp với doanh nghiệp rà soát, đánh giá thực trạng và xác định nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp của ngành, địa phương, đặc biệt là nhân lực có kỹ năng nghề cao để có kế hoạch đào tạo gắn với nâng cao chất lượng đào tạo và tạo việc làm bền vững.

Nguồn báo Phú Yên

Gửi bình luận


Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Uploading